Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Diễn tiến một buổi cầu nguyện Taize



I. CHUẨN BỊ

1. Chuẩn bị một nơi có bầu khí "tiếp đón ân cần" (lieu accueillant) cho một buổi cầu nguyện suy niệm.

a) Khi có thể, tốt nhất là tụ họp trong một nhà thờ. Lúc đó trong nhà thờ, sắp xếp để tạo khung cảnh đẹp, "tiếp đón ân cần". Bầu khí nội tâm là quan trọng cho một buổi cầu nguyện chung.

Đây không phải là sửa lại nhà thờ, nhưng chỉ là sắp xếp bên trong với những phương tiện rất đơn sơ.

Nếu không thể cầu nguyện trong một nhà thờ, thì cần phải sắp xếp một cách hài hòa một nơi để cầu nguyện.

b) Trong cầu nguyện, chính Đức Kitô là đối tượng, vì thế, mong rằng mọi người tham dự đều cùng nhìn về một hướng.

c) Với rất ít đồ vật, ta có thể tạo một nơi cầu nguyện có bầu khí " tiếp đón ân cần" : một thánh giá, một cuốn kinh thánh mở, một vài đèn nến, tượng ảnh…

Giữ cho ánh sáng mờ mờ, không chói sáng, nhưng phía trước được thắp sáng.

Chỗ ngồi dọc theo tường, không có ghế dài, có một khoảng trống trải thảm rộng đủ để quì.

d) Tiếp đón những người tham dự ở cửa, phát cho họ những tờ giấy bài hát và mời họ vào.

e) Có những hướng dẫn viên giúp cầu nguyện. Họ chuẩn bị buổi cầu nguyện và hướng dẫn buổi cầu nguyện giúp cho mỗi người tham dự hồi tâm.

Khi buổi cầu nguyện đã bắt đầu, sẽ không có những thông báo hay giải thích gì nữa, để không cản trở sự hồi tâm của mỗi người.

2. Những bức Icônes

a) Những bức icônes giúp cho vẻ đẹp của buổi cầu nguyện. Những bức icônes này được coi như những cửa sổ mở về phía những thực tại Nước Trời, và làm cho những thực tại này hiện diện trong lời cầu nguyện của chúng ta trên mặt đất này.

b) Nếu bức icône trình bày một hình ảnh, đó không phải là một minh họa, cũng không phải là một trang trí. Đó là biểu tượng của việc nhập thể, nó hiện diện ở đó và trao cho mắt của chúng sứ điệp thiêng liêng mà Lời Chúa đang ngỏ với chúng ta qua tai nghe.

c) Theo thánh Jean Damascène (tk. 8), nền tảng của những bức icônes là việc Đức Kitô đến trần thế này. Ơn cứu độ được liên kết với sự nhập thể của Ngôi Lời, do đó ơn cứu độ được liên kết với vật chất : "Ngày xưa, Thiên Chúa vô hình, vô thể, không bao giờ được trình bày (bằng tượng ảnh). Nhưng bây giờ Thiên Chúa đã tỏ hiện trong xác thịt và ở giữa con người, tôi đang trình bày sự hữu hình của Thiên Chúa. Tôi không tôn thờ vật chất, nhưng tôi tôn thờ Đấng tạo dựng nên vật chất, Đấng đã trở nên vật chất vì tôi, Đấng đã ở trong vật chất, và Đấng đã ban ơn cứu độ cho tôi qua vật chất".

d) Bức icône lên tiếng nói qua niềm tin, qua vẻ đẹp và ý nghĩa sâu sắc của nó, vì thế, nó có thể mở ra một không gian an bình, nâng đỡ một sự chờ đợi. Nó mời gọi đón nhận ơn cứu độ trong thân xác và trong tạo vật.

II. DIỄN TIẾN MỘT BUỔI CẦU NGUYỆN

1. Bài Hát :

Để đi vào buổi cầu nguyện, hãy chọn một hay hai bài hát có nội dung chúc tụng Thiên Chúa.

2. Thánh Vịnh

Đức Giêsu đã cầu nguyện bằng những kinh nguyện cổ xưa của dân tộc của Ngài. Từ đó, các kitô hữu cũng tìm thấy ở nơi những kinh nguyện cổ xưa đó một nguồn mạch. Các thánh vịnh đặt chúng ta trong sự hiệp thông lớn lao với những người tin. Niềm vui và nỗi buồn của chúng ta, niềm tin tưởng của chúng ta nơi Thiên Chúa, nỗi khát khao và ngay cả những lo âu của chúng ta cũng thấy được diễn tả trong các thánh vịnh.

Một hay hai người đọc hay hát những câu của thánh vịnh. Tất cả cộng đoàn đáp lại bằng tiếng Alleluia hay một lời hát tung hô khác sau mỗi câu thánh vịnh. Nếu hát những câu thánh vịnh, thì có thể những câu hát này được trợ giúp bởi những tiếng "ngâm nga" (giai điệu ứng khẩu dựa trên hợp âm cuối cùng của lời tung hô của cộng đoàn), những câu thánh vịnh này phải ngắn, nói chung là hai dòng; còn nếu đọc, thì những câu thánh vịnh này có thể dài hơn. Mỗi buổi cầu nguyện phải chọn những câu thánh vịnh mà mọi người quen. Nếu sử dụng những thánh vịnh khác, chỉ nên chọn một vài câu thôi, những câu quen thuộc nhất. Không cần phải đọc cả thánh vịnh.

3. Lời Chúa :

Đọc Kinh Thánh, đó là tới gần "nguồn suối vô tận được ban cho những ai khao khát chính Thiên Chúa" (Origène, tk. 3). Kinh Thánh là một "bức thư của Thiên Chúa gởi cho tạo vật của Ngài"; bức thư này giúp "khám phá tấm lòng của Thiên Chúa trong những lời của Ngài" (Grégoire le Grand, tk. 6).

Đối với giờ cầu nguyện thường xuyên, nên đọc liên tục những sách kinh thánh. Đối với giờ cầu nguyện hằng tuần hay hằng tháng, nên chọn những bản văn kinh thánh quan trọng mà không cần phải giải thích.

Cần khởi đầu mỗi bài đọc kinh thánh bằng câu : "Bài trích sách…, Bài trích Phúc Âm theo Thánh…". Nếu có hai bài đọc, thì bài thứ nhất có thể chọn trong Cựu Ước, trong các Thư, trong sách Công vụ Tông đồ hay sách Khải huyền; bài đọc hai luôn luôn là Phúc âm. Giữa hai bài đọc thêm vào một bài hát giúp suy niệm.

Trước hay sau bài đọc, nên chọn một bài hát ca tụng ánh sáng của Đức Kitô. Trong khi hát, vài bạn trẻ hay các em thiếu nhi tiến tới, với nến cầm trong tay, để thắp sáng một cây đèn đang để trên giá. Biểu tượng này nhắc nhớ rằng, ngay cả khi đêm tối dày đặc, trong đời sống cá nhân hay trong đời sống của nhân loại, tình yêu của Đức Kitô là một ngọn lửa không bao giờ tắt.

4. Bài hát suy niệm

Cầu nguyện bằng tiếng hát là một trong những diễn tả thiết yếu nhất của việc tìm kiếm Thiên Chúa. Những bài hát ngắn, được lập lại nhiều lần, làm nổi bật lên đặc tính suy niệm. Bằng một ít lời, những bài hát này nói lên một thực tại căn bản, có thễ hiểu một cách nhanh chóng. Được lập đi lập lại như vô tận, thực tại này dần dần thấm nhập vào toàn thể con người.

Như thế, những bài hát suy niệm mở lòng chúng ta lắng nghe tiếng Chúa. Trong giờ cầu nguyện chung, những bài hát này giúp mọi người tham dự và cùng nhau đón chờ Thiên Chúa, đồng thời làm cho thời gian cầu nguyện không quá nhàm.

Để mở những cánh cửa tin tưởng vào Thiên Chúa, không có gì có thể thay thế vẻ đẹp của những tiếng của con người liên kết với nhau trong một bài hát. Vẻ đẹp này có thể làm cho thấy được "niềm vui của trời cao ngay ở trên mặt đất này", như những Kitô đông phương thường diễn tả. Và như thế một cuộc sống nội tâm bắt đầu phát triển.

Những bài hát này cũng nâng đỡ lời cầu nguyện cá nhân. Chúng dần dần xây dựng sự hiệp thông của cá nhân trong Thiên Chúa và có thể âm ỉ ngân nga trong lúc làm việc, trong khi trò chuyện, trong lúc nghỉ ngơi, lúc đó chúng liên kết lời cầu nguyện với cuộc sống hằng ngày. Ngay cả khi chúng ta không ý thức, những bài hát này kéo dài lời cầu nguyện trong chúng ta, trong thinh lặng của con tim chúng ta.

Những bài hát suy niệm được soạn thảo trong Tập Sách Hát Taizé rất đơn giản. Nhưng để sử dụng trong một giờ cầu nguyện chung, thì cần phải tập trước. Để giữ bầu khí suy niệm của giờ cầu nguyện, giờ tập hát phải cách khoảng với giờ cầu nguyện.

Trong giờ cầu nguyện, không nên có người điều khiển bài hát, để cho mọi người có thể hướng nhìn về thánh giá, về những bức icônes hay về bàn thờ (tuy nhiên, trong một cộng đoàn lớn, việc điều khiển kín đáo một ca đoàn nhỏ hay một vài nhạc cụ có thể giúp cầu nguyện).

Người điều khiển hát thường đứng ở hàng đầu, với những người đọc thánh vịnh, đọc các bài đọc hay đọc các lời nguyện cộng đoàn. Những người này không quay mặt về phía cộng đoàn, nhưng cùng với cộng đoàn hướng về bàn thờ hay về các bức icônes. Để xướng bài hát, khuyên nên dùng diapason hay một nhạc cụ. Người xướng bài hát cũng phải lưu ý đến nhịp điệu thường có khuynh hướng chậm lại. Khi có đông người, cần sử dụng micro, tốt nhất là micro không giây, để bắt hát hay kết thúc những bài hát (thường kết những bài hát bằng tiếng Amen). Người xướng bài hát cũng có thể giúp cộng đoàn bằng cách hát qua micro, nhưng không lớn quá, át tiếng hát của cộng đoàn. Cho một cộng đoàn lớn, điều chỉnh tiếng vang là quan trọng. Cần điều chỉnh âm thanh trước giờ cầu nguyện.

Những bài hát bằng nhiều thứ tiếng thường được ưu tiên trong những cộng đoàn quốc tế. Nếu có thể, phát cho mỗi người một cuốn sách hát hay những tờ giấy có lời của bài hát.

Nhạc cụ : Đàn guitar hay một nhạc cụ phím hỗ trợ nhiều cho bài hát. Chúng dùng để giữ cung giọng và nhịp điệu. Người đàn guitar nên chơi theo kiểu classique; nếu sợ không nghe thấy, hãy sử dụng micro. Cùng với những hòa âm căn bản, cũng có những hòa âm của những nhạc cụ khác.

5. Thinh lặng

Khi chúng ta dự định đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa bằng một diễn tả qua lời nói, thì trí khôn của chúng ta bất chợt bị chiếm hữu. Nhưng trong thâm sâu của con người nhân loại của mình, chính Đức Kitô, bằng Thánh Thần, đang cầu nguyện hơn là việc chúng ta có thể tưởng tượng.

Lời của Thiên Chúa không im lặng, nhưng Thiên Chúa không bao giờ muốn áp đặt; thường thì tiếng của Ngài vang lên trong tiếng thì thầm, trong một hơi thở thinh lặng. Giữ thinh lặng trước sự hiện diện của Ngài, để đón nhận Thánh Thần của Ngài, đã là cầu nguyện rồi.

Đừng tìm một phương pháp để đạt được sự thinh lặng nội tâm bằng bất cứ giá nào, như là tự gợi lên trong con người mình một khoảng trống; nhưng trong thinh lặng, hãy để cho Đức Kitô cầu nguyện trong con người mình với một sự tin tưởng ấu thơ, và một ngày kia chúng ta sẽ khám phá ra rằng, những chỗ sâu kín của con người mình đã được cư ngụ.

Trong một buổi cầu nguyện chung, nên có một thời gian thinh lặng dài - 5 hay 10 phút - hơn là nhiều lúc thinh lặng ngắn. Nếu những người tham dự không quen thinh lặng như thế, thì cần phải báo cho họ khi kết thúc bài hát trước đó : "Bây giờ chúng ta tiếp tục cầu nguyện trong thinh lặng".

6. Lời nguyện cầu xin hoặc Lời nguyện chúc tụng
(Prière d’intercession ou Prière de louange)

Một lời cầu nguyện bao gồm những lời cầu xin hay những lời ca tụng ngắn, kèm theo tiếng ngâm nga hay tiếp nối bằng một câu trả lời được mọi người cùng hát, có thể tạo thành "một cột lửa" giữa buổi cầu nguyện chung.

Bằng những lời cầu xin, lời nguyện của chúng ta lan rộng tới mọi chiều kích của gia đình nhân loại : chúng ta phó thác cho Thiên Chúa những niềm vui và những niềm hy vọng, những nỗi buồn và những lo âu của con người, của những người nghèo và của tất cả những ai đang đau khổ.

Bằng lời nguyện chúc tụng chúng ta cử hành tất cả những gì Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Một hay hai người lần lượt phát biểu những lời cầu xin hay những lời tung hô được bắt đầu bằng bài hát : Lạy Đức Kitô xin thương xót chúng con; Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa.

Khi đã xong những lời cầu xin và tung hô đã soạn trước, có thể để cho những người tham dự có những lời nguyện tự phát từ tâm hồn của họ. Nhưng coi chừng những lời nguyện tự phát này phải ngắn và phải ngỏ với Thiên Chúa; chúng không nên biến thành một cuộc đối thoại ngang hàng, trong đó tưởng rằng đang nói với Thiên Chúa, người ta thực sự muốn chuyển cho người khác những tư tưởng của riêng họ. Những lời nguyện tự phát cũng phải được kết thúc bằng câu đáp ca do cộng đoàn hát.

7. Kinh Lạy Cha

8. Lời nguyện kết thúc

9. Bài Hát

Khi kết thúc, lời cầu nguyện có thể được kéo dài bằng bài hát do một nhóm nhỏ ở lại hát cùng với những người còn muốn tiếp tục cầu nguyện.

Những người khác có thể được mời sang chia sẻ Lời Chúa tại các nhóm nhỏ, ở một nơi gần đó với sự trợ giúp của bài hướng dẫn "Giờ theo Thánh Gioan" (heures johanniques). Trong lá thư Taizé hằng tháng, có bài hướng dẫn "Giờ theo Thánh Gioan", đó là một thời gian thinh lặng và chia sẻ khởi đi từ một bản văn Kinh Thánh.

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Huấn luyện Linh Hoạt Viên

Hình ảnh khóa huấn luyện Linh Hoạt Viên
Ngày 18-21/07/2011, Giáo phận Qui Nhơn đã mở khóa huấn luyện Linh Hoạt Viên, khóa huấn luyện đã thu hút hơn 180 người đến từ 3 Giáo hạt trong Giáo phận Qui Nhơn. Không khí những ngày học rất là vui tươi phấn khởi, Cha F.X Nguyễn Minh Thiệu (SDB) và anh Giuse Trịnh Vũ Minh đã trực tiếp giảng dạy những kỹ năng sinh hoạt, bài hát sinh hoạt, những giờ hội thảo thật sôi nổi và những giờ cầu nguyện thật là nghiêm trang. Sau 3 ngày học tập liên tục, chiều ngày 21/07/2001, lớp học đã bế mạc, sau nghi thức "Sai đi" do Cha Giuse Nguyễn Đức Minh - phó ban giới trẻ Giáo phận tiến hành - từng người trong khóa đã chia tay với Cha F.X Nguyễn Minh Thiệu và anh Giuse Trịnh Vũ Minh, sau đó Cha F.X và anh Minh đã về lại Sài Gòn để tiếp tục công việc của mình. Chiều hôm đó, một số học viên ở gẫn cũng ra về. Còn lại là những Giáo xứ ở xa, bữa cơm chiều hôm đó tuy không sôi nổi nhưng mấy ngày trước nhưng mọi người vẫn thấy vui. Đêm đó, một số bạn trẻ đã cùng nhau sinh hoạt với nhau rất sôi nổi. Sau 21h, Lm. Trăng Thập Tự đã cùng các bạn trẻ cầu nguyện và sau đó mọi người chia tay. Một số bạn không ngủ được đã tập trung lại với nhau trên sân thượng của Chủng Viện và tiếp tục sinh hoạt đến 2h sáng mới đi ngủ. 6h sáng ngày 22/07/2011, mọi người ăn sáng và chia tay nhau. Khóa học đã giúp các bạn có thêm kiến thức, kỹ năng sinh hoạt để về phát triển Giáo xứ, các bạn ở các Giáo xứ khác nhau có dịp giao lưu và làm quen với nhau. Các bạn trẻ của Giáo phận Qui Nhơn hãy vào blog gioitregpqn.blogspot.com để xem thông tin về giới trẻ, hãy chia sẻ về những ngày mà các bạn đã cùng học tập với nhau nhé. Bài viết xin gửi về gioitregpqn@gmail.com.